Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Cha tôi!

Dưới đây là lời chia sẻ chân thành của một bạn trẻ người Trung Hoa về chính người cha ruột của mình. Bài viết được đăng trong tạp chí Độc Giả Văn Trích...

Tôi rất sợ người khác trông thấy tôi đi cùng với cha tôi, chính là vì ông bị thọt chân, mà người lại thấp bé, khi bước cứ phải vịn vào cánh tay tôi. Thật khó khăn lắm chúng tôi mới giữ được nhịp bước. Ông bước đi, vừa tập tễnh, lại vừa xiêu vẹo, khiến tôi rất là bực mình. Do vậy, dọc đường tôi và cha tôi rất ít khi trò chuyện. Lần nào cha cũng nói: “Con cứ đi đi, cha sẽ theo kịp bước chân con mà...”

Quãng đường chúng tôi đi thường là từ nhà đến ga xe điện ngầm và ngược lại. Cha tôi đi làm. Dù tật nguyền, cha tôi vẫn đi làm. Những lúc thời tiết khắc nghiệt, ngay đến người bình thường cũng không thể ra ngoài, thì bằng mọi cách, ông vẫn đến được công sở, và ông thấy tự hào vì điều ấy.

Những lúc băng tuyết ngập trời, cha mới chịu ngồi vào chiếc xe trượt tuyết trẻ con cho chị gái tôi hoặc tôi đẩy qua con đường băng tuyết. Đến nơi, tay ông vịn vào lan can ở nhà ga, từng bước lần xuống các bậc thang vào đường hầm xe điện, cho đến khi tới được chỗ không còn tuyết đổ dầy, ông mới buông tay ra. Cũng may là sở làm của ông nằm ngay trạm dừng của xe điện, cho nên ông không phải đi đâu ra ngoài xa xôi cho đến khi có người lại đón về.

Bây giờ nghĩ lại, tôi không khỏi ngạc nhiên, phải là một người có nghị lực ghê gờm lắm mới có thể chịu đựng được gánh nặng công ăn việc làm trong một hoàn cảnh gian nan như thế. Mà tôi lại còn ngạc nhiên hơn nữa khi cha tôi lúc nào cũng vẫn vui vẻ, không một lời than thân trách phận.

Cha tôi không hề tự ti trước mặt người khác, cũng không hề đố kỵ khi thấy người khác may mắn hơn mình. Ông chỉ chú ý có một điều duy nhất: người ta có hảo tâm hay không ? Sau này, càng trưởng thành, tôi lại càng tin rằng hảo tâm chính là tiêu chuẩn thích đáng của mỗi con người, cho dù rốt cục, tôi cũng chưa thật sự hiểu rõ hảo tâm là thế nào. Tôi chỉ mang máng nhận ra nơi mình đôi lúc đã thiếu vắng thứ hảo tâm ấy.

Có một số việc cha tôi không làm được, thế nhưng ông vẫn gắng tham dự bằng nhiều cách. Đội bóng chày nghiệp dư thiếu người hướng dẫn thì ông đã tình nguyện đích thân làm huấn luyện viên ngay bởi kiến thức của ông về môn thể thao này phải nói là hết sức phong phú. Ông cũng thích các buổi vũ hội nhưng đành chịu, chỉ ngồi xem một chỗ và tự tìm thấy niềm vui cho riêng mình.

Một lần, người ta tổ chức đấu vật trên bãi biển, cha tôi không thể đứng một mình trên cát, lại chẳng chịu ngồi yên xem cuộc đấu, thế là ông vẫy tay gọi mọi người: “Này, có ai dám ngồi xuống đây đấu tay đôi với tôi không nhỉ ?” Tuy nhiên, chẳng có ai thèm ngó ngàng đến cha tôi, có khi họ còn chế nhạo rằng ông là một đấu thủ chưa cần đấu đã thua trận rồi ! Mãi đến bây giờ tôi mới hiểu được cha tôi đã khắc phục được khuyết tật chính là qua các hoạt động và trò chơi ấy.

Khi tôi gia nhập lực lượng hải quân, một lần được về phép, cha tôi dẫn tôi vào cơ quan và hãnh diện giới thiệu với các bạn đồng nghiệp: “Đây là con trai của tôi, cũng chính là bản thân tôi đấy ! Giá như không bị tật ở chân, tôi cũng đã có thể được như nó hôm nay...”

Bây giờ thì cha tôi đã không còn nữa, ông mất đã khá lâu nhưng tôi thì vẫn không thể quên không nghĩ đến ông. Tôi không rõ là ông có hiểu rằng hồi đó tôi rất ngại không muốn người ta nhìn thấy cảnh tôi phải dìu cha tôi tập tễnh bước đi. Tôi vô cùng ân hận và nuối tiếc vì không còn cơ hội để nói một lời xin lỗi với cha tôi nữa...

Cứ mỗi lần trong lòng tôi chợt thấy ghen tỵ với niềm hạnh phúc hay sự may mắn của người khác là tôi lại sực nghĩ ngay đến cha tôi. Lúc ấy, giá như có cha tôi bên cạnh, tôi sẽ níu lấy cánh tay của ông đã giữ vững bước đi của chính tôi. Và chắc chắn là tôi sẽ nói với cha tôi rằng: “Cha ơi, cha cứ đi đi, con sẽ cố gắng theo kịp bước chân cha...”

tuvannguyen (Bản dịch của Đông Triều, tạp chí Hoa Học Trò 1/1999)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét