Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Một số bài viết của Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

Cảm tưởng về ba (thay đổi theo từng lứa tuổi của tôi)

4 tuổi: Ba có thể làm được bất cứ điều gì.

5 tuổi: Ba biết nhiều lắm.

6 tuổi: Ba thông minh hơn ba của bạn.

8 tuổi: Ba không biết gì nhiều.

10 tuổi: Ba! Lúc này khác với thời ba mới lớn.

12 tuổi: Ba! Thật là ba không biết gì hết! Ba quá già đến nỗi không còn nhớ gì về tuổi trẻ của mình.

14 tuổi: Ba lỗi thời rồi! Đừng quan tâm đến ông ấy.

21 tuổi: Ba cổ hủ và lỗi thời quá sức!

25 tuổi: Ba già rồi! Ba không biết nhiều về vấn đề này.

30 tuổi: Ba có nhiều kinh nghiệm hơn, cần hỏi ý kiến ba.

35 tuổi: Tôi phải hỏi ý kiến ba trước xem sao đã.

40 tuổi: Chuyện này khó quá! Hỏi xem ba giải quyết như thế nào, vì ba khôn ngoan và có nhiều kinh nghiệm.

50 tuổi: Ba đã không còn nữa! Tiếc quá, vì đã không hiểu ba, nếu không tôi đã học hỏi được nhiều điều.


VĂN MINH MỲ GÓI
VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ TRÊN ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH


Nếu bạn sống tại Hoa Kỳ hay những quốc gia Âu Mỹ, bạn không lo phải học nấu ăn, và bạn cũng không lo phải chết đói nếu trong túi có vài đồng bạc. Lý do, bạn chỉ cần ghé vào một tiệm fast food nào đó. Thí dụ, McDonald’s, Carl’s Jr., In-N-Out Burger, Burger King, Hamburger, Jack In The Box, Kentucky Fried Chicken, hay bất cứ một tiệm Food To Go nào chẳng hạn là bạn đã có một bữa sáng, trưa, hoặc tối với đầy đủ càphê, nước ngọt, kem, hoặc sữa.

Thức uống thì có càphê hoặc trà uống liền. Dĩ nhiên là nước ngọt, rượu, bia thì không bao giờ thiếu tại các cửa tiệm tạp hóa, siêu thị, hoặc các tiệm rượu. Bạn không cần phải đun nước, lựa củi, hoặc to hay nhỏ lửa. Chỉ cần một chút nước nóng nhúng bịch trà, hay càphê vào là ngay sau đó bạn đã có một ly trà hoặc càphê.

Đối với người Việt Nam chúng ta, sản phẩm mỳ ly hoặc mỳ gói đang trở thành món ăn rất phổ thông của những “cây lười” hoặc các công tử “nghèo” mà ham. Tóm lại, bạn chỉ cần đun một nồi nước sôi, mở nắp đổ ít nước sôi vào những ly hoặc bát mỳ là trong ít phút bạn cũng đã có một bữa sáng, trưa, hoặc tối nhiều ít tùy vào túi tiền của bạn. Thôi thì mỳ tôm, mỳ thịt gà, mỳ thịt bò, mỳ thịt heo, chỉ thiếu mỳ thịt chó là chưa có. Và nếu bạn ăn mỳ chán, thì đã có phở ăn liền, hoặc nếu chán phở thì đã có hủ tíu, hoặc bún bò Huế. Tất cả cũng được chế biến theo tiêu chuẩn “ăn liền”. Dĩ chí, bạn cũng không cần phải đun nước nóng vì các loại trà, mỳ ăn liền với nước lạnh cũng đang tràn ngập thị trường ăn uống.

Cái đơn giản của cuộc sống này tưởng như một chuyện thường tình xẩy ra cho con người khi bận rộn với công ăn việc làm, phải chạy đua và bị nghiền nát với tốc lực, với máy điện toán, máy điện thư, điện thoại, hoặc những trang, những màn điện toán mà thoáng chốc người ở Mỹ có thể nói truyện, trao đổi với người ở Việt Nam. Trái đất trở thành nhỏ bé lại, và người ta phải quờ quạng, chạy ngược xuôi theo với sức hút của cuộc sống. Tiếc thay, ảnh hưởng của triết lý mỳ ăn liền, mỳ ly, mỳ gói, hoặc văn minh fast food ấy đã thực sự ảnh hưởng rất nhiều vào tâm lý sống và cuộc sống của con người ngày nay, mà điển hình là đời sống hôn nhân và gia đình.

Như một phản ứng phản xạ tâm lý, con người ngày nay có khuynh hướng muốn giải quyết tất cả mọi truyện bằng quan niệm và triết lý mỳ ly, mỳ gói, mỳ ăn liền, hoặc theo ảnh hưởng văn hóa fast food. Đời sống hôn nhân gia đình do đó đang bị thoái hóa và trở thành một việc làm có tính cách đốt giai đoạn. Những phong tục, truyền thống tốt đẹp về hôn nhân gia đình đang dần dần biến dạng do những ảnh hưởng của nền văn hóa fast food, văn hóa mỳ gói. Yêu cuồng, sống vội là một quan niệm đang được con người ngày nay hoan hô nhiệt liệt.

Ngày nay, nhiều cặp trai gái không cần tìm hiểu và dò hỏi. Gặp nhau, thấy thích nhau là lên giường với nhau liền. Một tháng, một năm, hay vài năm, thấy chán thì đổi. Cumï từ “tiếng sét ái tình” mà người Hoa Kỳ gọi là “blind date” - một cuộc hẹn hò mù quáng, trước đây chỉ dùng rất giới hạn cho một số trường hợp đặc biệt mà trong đó cặp tình nhân như bị cuốn hút và đắm đuối với nhau ngay từ lúc bốn mắt nhìn nhau. Vừa gặp anh, hay gặp em là “tinh tú đã quay cuồng”. Mặc dù được coi như một hình thức của tình yêu, tuy vậy, mối tình bốc lửa này vẫn được các nhà tâm lý và tâm lý hôn nhân dè dặt khi cân nhắc và cố vấn. Bởi vì nó rất dễ đi đến tan rã sau những bốc đồng và cuồng nhiệt ở giây phút đầu. Tuy nhiên, ngày nay, càng bị “sét ái tình” đánh trúng và đánh trúng sớm chừng nào hay chừng nấy.

Vì vội vàng yêu nên không cần phải chờ đến hỏi, cưới. Quan điểm sống này dẫn đến hành động trai gái sống chung với nhau mà không cần cưới hỏi. Lối sống này ngày nay đã trở thành quen thuộc, đến nỗi ngay những bậc phụ huynh cũng không quan tâm đến nó nữa. Con cái họ muốn làm gì thì làm, miễn sao đừng “làm con người ta có bầu”, hoặc miễn sao “đừng để có bầu”. Nhiều phụ huynh khi con gái đi chơi với bạn trai đã dúi vào tay con viên thuốc ngừa thai.

Mà vì không màng đến những giá trị truyền thống của gia đình, nên những cặp trai gái sống với nhau khi có thai, lập tức nghĩ đến chuyện “phá thai”. Ngày nay, hành động phá tại nhiều nơi đã được luật pháp chấp nhận. Tuy nhiên, chấp nhận hay không thì việc phá thai đã trở thành một tệ trạng xã hội của chúng ta đang sống. Con số phá thai ở Việt Nam lúc này cũng không phải là ít ỏi, và nó đã trở thành một hiện tượng xã hội lớn lao có ảnh hưởng cả một dân tộc.

Ta thử tượng tượng ít chục năm tiếp tới, lớp người ngày nay đang phá thai sẽ trở thành già nua, tuổi tác, và xã hội không có lớp người trẻ nối tiếp sẽ ra sao? Hoặc lớp người trẻ đó lại là con cái của những cha mẹ coi việc hôn nhân, gia đình không ra gì. Đặc biệt là ảnh hưởng tâm lý dồn nén, và ân hận về những việc làm phá thai của mình, thì tương lai và lớp người trẻ ấy sẽ ra như thế nào?

Hằng ngày người viết vẫn phải đối diện với những bệnh nhân tâm lý và tâm thần. Những hội chứng như Alzheimer, Down Syndrome, Autism, Cerebral Palsy, Mental Retardation, Seizure, Epilepsy, Anxiety, Depression, và những hội chứng tâm lý và tâm thần khác nhau như thế, mà hệ quả đến từ ảnh hưởng của cha mẹ, và một số là di truyền. Cha mẹ nghiện hút, cha mẹ buông túng trong tình dục, cha mẹ ngừa thai, cha mẹ phá thai, những hành động ấy tưởng như không có một ảnh hưởng gì đối với những bạn trai gái trẻ, những cặp tình nhân trẻ, nhưng hậu quả thật không ngờ và không thể tưởng tượng. Nhiều phụ huynh trẻ sau khi sinh ra những người con như vậy đã khóc lóc và phàn nàn. Nhưng đã quá muộn!!!

Sống vội vàng, hưởng thụ. Sống không cần có gia đình, hôn thú. Có thai thì phá thai. Lối sống ấy như vừa trình bày còn kéo theo một hội chứng tâm bệnh đó là lối sống đồng tính và hôn nhân đồng tính. Đồng tính và hôn nhân đồng tính mặc dù được các nhà tâm lý và xã hội loại bỏ khỏi danh sách tâm bệnh, nhưng đó chỉ là một hình thức trốn tránh trách nhiệm và lấn át tiếng lương tâm. Tự mình, những người sống trong đời sống đồng tính và hôn nhân đồng tính cũng hiểu rằng có những điều không ổn và không tự nhiên trong đời sống tình cảm và sinh lý của họ.

Và sau cùng, cũng trong lý thuyết mỳ gói, sự chóng vánh ban đầu đem đến hậu quả sau này, đó là chóng chán, và chóng bỏ. Hôn nhân gia đình lại một lần nữa đối đầu với những đổ bể và đau đớn. Cha mẹ bỏ nhau, con cái bơ vơ, và hư hỏng. Lỗi này nhiều cha mẹ đã đổ cho xã hội. Nhưng xã hội lại cho rằng nền tảng hôn nhân bị rạn nứt ngay trong lòng người, nên dù xã hội không mở ra những cửa ngõ cho việc suy thoái những giá trị hôn nhân, thì tự nó cũng đã làm cho nó băng hoại và hủy diệt.

Trước đây khi con cháu, bè bạn lập gia đình chúng ta thường chúc cho “đầu bạc răng long”. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, do ảnh hưởng của nền văn minh và triết lý mỳ gói, thì việc người ta sống với nhau 5 hay 10 năm đã là một việc làm hiếm qúy. Hoặc nói theo một ý nghĩa trào phúng, thì ăn mỳ gói đâu cần có răng. Mà vì không có răng nên có răng đâu mà chờ rụng. Còn đầu tóc thì nhiều người ngày nay đã cạo trọc, hoặc nhuộm tóc. Như vậy câu: “Tuổi già đầu bạc thì đáng kính”, cũng không còn giá trị. Tất cả cũng chỉ vì văn minh và ảnh hưởng của nền văn hóa mỳ gói.

Làm sao cho người chồng, người vợ, cha mẹ và con cái xum họp được bên nhau trong một bữa cơm đầm ấm mang bầu khí gia đình. Làm sao để những cặp trai gái yêu nhau có thời giờ tìm hiểu, trao đổi và kết thân với nhau. Làm sao sau khi đã tìm hiểu mà quyết tâm đi đến hôn nhân, người ta có thể sống với nhau một cách thương yêu, trung thành và tình nghĩa cho đến chết. Có lẽ chúng ta cần phải trở lại cái ảnh hưởng của nền văn hóa “cơm gạo”, ăn chắc mặc bền đó là nền văn hóa của tình người, của lễ nghĩa gia phong, và của những giá trị truyền thống gia đình.

 
VĂN MINH MỲ GÓI & ẢNH HƯỞNG TÂM LÝ

TRIỆU CHỨNG BẤT ỔN TÂM LÝ

- “Tôi dạo này tự nhiên cảm thấy nóng nẩy và hay bực tức. Nhiều khi tôi thấy mình như bị tù túng, mất tin tưởng, và ngay cả trong giấc ngủ, nhiều đêm tôi cũng thấy mình tự nhiên thức giấc, hốt hoảng, sợ sệt”.

- “Tôi lúc này hay hồi hộp, nhiều lúc tim như bị ngừng đập, hơi thở yếu ớt, và mệt mã không muốn làm gì cả. Tôi thấy chán đời, và không muốn sống nữa.”

- “Tôi thời gian gần đây trí nhớ tự nhiên kém hẳn đi. Tôi hay quên sót và không nhớ nổi cái số điện thoại cầm tay của chính mình nữa.”

- “Tôi ít tháng nay tự nhiên mất ngủ triền miên. Aên không thấy ngon miệng. Đã vậy, tôi hay nhức đầu, đau bụng, và hơi thở nặng nề.”

- “Da dẻ tôi độ này thấy ngứa ngáy, và lở loét. Tôi ăn bao nhiêu cũng không no, và người tôi lúc này phì nộn trông không giống ai. Nhưng khổ nỗi là tôi không thể nào nhịn ăn được”.

ẢNH HƯỞNG TÂM LÝ SỐNG

Nếu bạn vướng vào một trong những lời than thở trên đây là bạn đang bị triệu chứng trầm cảm (stress) tấn công bạn rồi đó. Nếu không tự mình ra khỏi những cái làm cho bạn đi tới sự căng thẳng và dồn nén, thì không lâu bạn có thể phải vào nhà thương tâm thần để “giải lao” vài tuần, vài tháng, có khi vài năm để lấy lại miếng ăn ngon, giấc ngủ yên, hơi thở mạnh, hết nhức đầu, đỡ ngứa ngáy, và không còn bị hồi hộp làm bạn giật mình trong giấc ngủ.

Nhưng để nhận diện được những yếu tố và những lý do đang và sẽ dẫn bạn tới các văn phòng tâm lý, hoặc vào nhà thương, thì bạn cũng cần phải biết rằng ngày hôm nay, số thuốc an thần, thuốc ngủ là những thứ thuốc được kê toa nhiều nhất. Còn nếu như bạn không đến các phòng mạch bác sĩ. Không đi thăm các bác sĩ tâm lý, hoặc tâm thần, thì rượu, bia, thuốc lá, và các loại bạch phiến, nha phiến... là những thứ đang thu hút những khách hàng chán đời, không muốn sống, hoặc thao thức, mất ăn, và mất ngủ.

Gần đây, một hiện tượng lạ đang thu hút lớp tuổi trẻ chán đời, nhưng lại làm cho phụ huynh sợ toát mồ hôi hột, đólà hiện tượng tuổi trẻ dùng để “đánh thức” mình dậy, và giúp “ra khỏi” cái chán đời bằng cách tự treo cổ để cảm thấy cái cảm giác lâng lâng, kích thích đến nghẹt thở. Không biết ông bà mình ngày xưa có biết đến trò chơi bạo tợn này hay không, nhưng tuổi trẻ ngày nay là thế đó. Kẹt một cái, đây lại là một trò chơi chết người. Đã có một số em không bao giờ tỉnh dậy và ra khỏi cái cảm giác ấy nữa vì đã chết thật.

NGUYÊN NHÂN GÂY BẤT ỔN

Vậy đâu là cái đang làm cho con người ngày nay chán sống, không muốn sống, hay sống mà sợ hãi, hốt hoảng, quên đầu, quên đuôi? Bạn muốn biết điều đó, thì mời bạn lái xe ra ngoài siêu xa lộ một vòng. Hoặc mời bạn đi vào những hộp đêm, những sòng bài, những phòng tắm hơn, dĩ chí vào nhà thờ thì sẽ thấy.

Người ta đua nhau lái xe như bay ngoài xa lộ. Hễ vượt được ai là vượt bất kể nguy hiểm đến tính mạng mình hay người khác. Người ta đua nhau nhẩy. Nhẩy kiểu này, kiểu nọ. Nhẩy thâu đêm. Nhẩy quay cuồng và không muốn về nhà nữa. Người ta đua nhau làm giầu. Làm giầu bằng cách sát phạt nhau. Gian lận, và lường gạt. Người ta đua nhau tìm kiếm những cảm giác lạ. Và người ta chen chúc nhau đến trước toà Chúa như chen nhau lên tầu vượt biên sau tháng 4 năm 1975 vậy. Người ta làm những việc ấy vì sợ không có giờ, sợ bị trễ giờ. Sợ rằng nếu mình không hưởng, đứa khác sẽ hưởng mất. Sợ rằng nếu mình không làm giầu, sẽ bị kẻ khác làm giầu trước mình. Sợ nếu không đến trước toà Chúa trước, đến lúc mình đến Chúa hết ơn rồi không còn để cho nữa. Và đó là một hình thức sống và ảnh hưởng cái triết lý mỳ gói, mỳ ăn liền. Cái gì hễ muốn là phải được. Không được thì bứt rứt, khó chịu, bồn chồn, và lo lắng.

Và cũng vì con người hay sốt ruột, nên ruột con người bị sốt, bị đứt, bị lở loét, và bị viêm. Cũng vì thế, mà con người ngày nay mới ba, bốn, hoặc năm chục là đã hói đầu, bạc tóc. Tâm lý sống ấy khởi đi từ nhận thức về quá khứ, hiện tại và tương lại, nên khi con người đặt mình vào cái hiện tại ngắn ngủi của mình liền nẩy sinh sự nuối tiếc và hận thù quá khứ. Cũng vì giây phút hiện tại quá ngắn ngủi và mong manh, nên con người mới mơ màng, và ảo tưởng, ảo giác về tương lai, khiến cuộc sống trở nên lẫn lộn, giăng mắc và khó giải quyết. Rồi trong cái khó khăn của chính nó, con người lại làm cho trở nên càng khó khăn hơn bằng sự nóng nẩy, bất nhất và muốn được như mình muốn. Muốn ngay điều mình muốn

TÂM LÝ THỰC HÀNH

Trong lãnh vực đạo đức, ta gọi đây là người không có nội tâm, thiếu lòng đạo đức, và thiếu đức tin để thực hành và đi vào niềm tin của mình. Không tin vào mình, mà cũng không tin vào Chúa, nên cuộc sống càng trở nên vô vọng, chán chường. Đến đây thì không phải là thuốc an thần, xì ke hay rượu mạnh giải quyết những khó khăn chồng chất của cuộc đời, mà là mấy ông, mấy bà tướng số, thầy bói. Bói hươu, bói vượn. Cứ nhìn vào cặp mắt ngây dại của những thân chủ mà tán cho ra tiền, còn đúng hay sai là hạ hồi phân giải. Vì thế, nhiều người không hề muốn sửa đổi cá tính và những khuyết điểm, mà chỉ muốn kê lại cái gường, kê lại cái tủ cho hôn nhân hạnh phúc theo lời thầy bảo. Họ tin rằng cái tủ, cái gường kia làm nên cuộc tình đổ vỡ của mình, còn mình thì không hề có một lỗi lầm, nguyên nhân nào dù là rất nhỏ mọn.

Với cái nhìn tâm lý, thì đây là loại người sống thiếu tự tin và thiếu nghị lực. Cái hình ảnh mỳ ăn liền hay triết lý sống muốn dùng ảo tưởng, dùng những bất ngờ giải quyết khó khăn, chứ không hề đối diện với khó khăn để giải quyết. Với những người này, cách giải quyết khó khăn, cái làm nên hạnh phúc là những giây phút sống bằng ảo tưởng, ảo giác hay cảm giác mạnh: rượu mạnh, thuốc xái, hay ngay cả những “phép lạ” là những thứ mà lớp người này vẫn mong mỏi hoặc dùng như một thứ “thần dược” giải tỏa những khó khăn của cuộc đời.

Muốn gì được nấy. Muốn là được liền. Hễ không được là khó chịu, bực tức, và mất ăn, mất ngủ. Đó là ảnh hưởng của triết lý sống mỳ ăn liền, hay triết lý sống của lớp người ngày nay đang vội vàng chạy theo những trào lưu tiến hóa, và vong thân dựa vào những kết quả của khoa học, của thế giới quay cuồng và mất hút đến chóng mặt.

Tóm lại, cuộc đời của con người không phải là một gói mỳ ăn liền. Và chúng ta cũng không thể sống và giải quyết những vấn nạn cuộc đời với quan niệm và lối sống ấy. Cuộc đời, thật ra là một chuỗi ngày được đan kết bởi niềm vui và nỗi buồn. Bởi hạnh phúc và đôi điều bất hạnh. Bởi may mắn và rủi ro. Bởi khoẻ và yếu. Bởi bình an và bất an. Tóm lại, một cuộc đời, một cuộc sống có giá trị phải được pha chế và gồm tóm tất cả những thứ đó. Nhưng điều làm nên giá trị cuộc đời, là chính ta phải bình tĩnh, lợi dụng và xử dụng tất cả để đem lại cho cuộc đời mình cái giá trị thật của nó, đó là sự bình an, là niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và sự can đảm tin vào chính mình để không bị những sợ hãi, lo lắng và thất vọng chi phối. Bạn hãy so sánh giữa một bữa cơm gia đình, thân mật, và hạnh phúc sau một ngày làm việc vất vả, và với một ly mỳ vừa húp xì xụp, vừa hấp tấp vội vàng và xong rồi thì vất cái ly vào thùng rác! Qua hình ảnh so sánh này, chắc bạn cũng đồng ý với tôi là: Đời sống con người không phải chỉ là một gói mỳ ăn liền. 

Lieuvh (Nguồn: CGVN) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét